Ca trù nhìn từ nhiều phía

31/07/2006

Ca trù nhìn từ nhiều phía Nhóm tác giả: Nguyễn Đức Mậu biên soạn
Nơi xuất bản: Hà Nội, Việt Nam
Nhà xuất bản: Văn hoá Thông tin
Nơi phát hành: Hà Nội
Lần xuất bản: 1
Ngày xuất bản: 2003
ISBN:
Kích thước: 14,5 x 20,5 cm;,

  Ca trù đã từng hấp dẫn các tao nhân mặc khách, những trí thức cao cấp, tự do phóng khoáng của nhiều thời đại. Ca trù cũng hấp dẫn các nhà nghiên cứu âm nhạc, nghiên cứu văn học, văn hóa. Sản phẩm của sự hấp dẫn đó là đã tạo ra không chỉ có hàng dãy dài thư mục, trên bốn chục đơn vị, ca trù trong kho sách Hán Nôm với những Ca phả, Ca trù thể cách, Ca trù tạp lục, Đào nương ca trù xướng loại, Đại Nam quốc âm ca khúc, ... mà cũng còn có cả dãy dài thư mục nghiên cứu ca trù, bao gồm các công trình, các chuyên luận, các phần trong các giáo trình văn học, ... Từ xưa ca trù đã đi vào truyền thuyết, đến những năm 30, 40 đầu thế kỷ XX, ca trù đã đi vào truyện, ký của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Đinh Hùng, Lê Văn Trương v.v...

  Trong dân nhạc Việt Nam chỉ có ca trù mới sản sinh ra một thể loại văn học là hát nói, và đó là điều thực sự khác với các loại dân nhạc khác như quan họ, chèo, lý, ... Và trong văn học Việt Nam, dường như cũng chỉ có thể loại hát nói được sinh thành từ dân nhạc, từ văn nghệ, và cũng được sinh thành khá muộn màng, khi ở đây đã hình thành một nền văn học viết vững vàng, điều này cũng khác với các nước có nền văn học có truyền thống lâu đời, văn học được hình thành từ văn nghệ. Nhưng đặc điểm hấp dẫn mang tính khoa học đó cũng chưa phải là điều mấy lâu nay khiến cho nhiều người nghiên cứu ca trù, vì thực sự nó chưa từng được ý thức sâu sắc như là một vấn đề cần suy nghĩ. Ca trù được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, nghiên cứu văn học quan tâm nhưng trong đó điệu hát nói hay thể loại văn học hát nói, được nghiên cứu nhiều nhất so với các điệu khác. Sự hấp dẫn của hát nói một phần có thể lý giải từ tính chất cá nhân, tính đô thị, tính phi quan phương, phi chính thống của nó trong một nền văn học, văn nghệ tải đạo, bị ràng buộc bởi những “quy phạm quan định’’, quá nhiều “niêm luật”, ít tính cá nhân. Mặt khác, hát nói là hát thơ trong một đất nước mà thơ có một vị trí vào loại cao nhất trong đời sống văn học nghệ thuật, có phần cái tâm lý yêu thơ đó đã dành sẵn cho nó một thái độ trân trọng. Hát nói là điệu hát quan trọng nhất của ca trù, và ca trù, như chúng ta đã biết, không chỉ có hát nói.

(trích Lời nói đầu)